Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

SÀI GÒN CÔN ĐẢO RESORT

  Resort-Khách Sạn  
 
SÀI GÒN CÔN ĐẢO RESORT
Resort Sài Gòn Côn Đảo tọa lạc tại trung tâm thị trấn và có số lượng phòng lớn nhất Côn Đảo. Đặc biệt chất lượng dịch vụ được xếp thứ hai Côn Đảo chỉ sau Six Senses.
Chi Tiết  
   
CÔN ĐẢO RESORT
Côn đảo resort được quy tụ nhiều yếu tố tốt nhất để nghỉ dưỡng như có bãi biển đẹp, cảnh quan yên tịnh, không khi trong lành và hồ bơi rộng lớn...                                                                              
Chi Tiết  
   
ATC RESORT VÀ SPA
ATC Côn Đảo Resort  phòng có hướng biển đẹp nhất . ATC Resort nổi bật với màu trắng , khuôn viên sân vườn nhiều loại cây ăn trái và chạy dài theo đường nơi phía trước có những hàng bàng cổ thụ .. 
Chi Tiết  
   
SIX SENSES CÔN ĐẢO
Six senses Côn Đảo được xây dựng trên một trong những bãi biệt đẹp nhất côn đảo và tách biệt với bên ngoài. Six senses mang một vẽ đẹp thiên nhiên và sang trọng.
Chi Tiết  

Món ăn đặc sản tại Côn Đảo

Món ăn đặc sản tại Côn Đảo


Ốc vú nàng, đặc sản biển Côn Đảo
Ốc vú nàng là đặc sản quý hiếm ở biển Côn Đảo, Bà Rịa – Vũng Tàu. Món ốc có thể nướng, luộc hoặc trộn gỏi đều ăn rất ngon.
“Ai qua đất Thắm, Bãi Bàng
Hỏi thăm Ông Đụng, vú nàng lớn chưa ?”
Ốc vú nàng sống bám chặt vào thành các ghềnh đá ven bờ biển, chúng mở vỏ cho nước biển lùa vào mang theo những vi sinh vật làm thức ăn cho chúng. Vì thế, người bắt ốc phải ngâm mình dưới nước, có khi phải dùng đèn soi vào tận kẽ đá, hốc đá sâu trong hang để “bắt” ốc.
Thông thường mỗi con ốc vú nàng chỉ to bằng ba ngón tay người lớn, nhưng ốc vú nàng Côn Đảo có vẻ "nhỉnh" hơn một chút so với ốc vú nàng ở các khu vực biển khác, con to nhất ở đây cũng gần bằng bàn tay. Con ốc vú nàng càng lớn, vỏ càng có mầu hồng đậm hơn so với con ốc vú nàng nhỏ hơn.
Ngày trước, các món chế biến từ ốc vú nàng chỉ có vua chúa mới được thưởng thức. Sau này, ốc vú nàng trở thành món ăn thường ngày của người dân đi biển.
Ốc vú nàng đều thơm ngon khi được luộc, nướng hoặc làm món trộn, làm gỏi. Món ốc vú nàng luộc được coi là món thông dụng nhất vì dễ làm. Với món này, ốc sau khi được rửa sạch, xếp vào nồi có ít nước hoặc chẳng cần cho nước rồi đặt lên bếp luộc chín. Theo người sành ăn, luộc ốc vú nàng không cần cho một chút nước nào bởi bản thân ốc vú nàng đã có khá nhiều nước. Trong khi luộc, đôi khi phải mở nồi, dùng đũa đảo ốc để cho thịt chín đều, sau đó vớt ra để nguội. Sau khi luộc chín, dùng mũi dao nhỏ nạy nhẹ lấy được thịt ốc ra khỏi vỏ, rửa sạch ốc rồi tưới thêm một lần nước sôi. Thịt ốc vú nàng từ màu trắng ngà chuyển sang màu vàng.
Món này chỉ cần chấm với muối, hạt tiêu và chanh, ăn giòn giòn, ngọt ngọt. Điều độc đáo của ốc vú nàng luộc là không quá béo như thịt, không quá dai như sò, ngao, không nhỏ như hàu. Nếu được thưởng thức những con ốc vú nàng mới ngậm sữa thì sẽ cảm nhận vị thơm ngậy, không lẫn với bất cứ món ăn đặc sản nào. Nước ốc cũng hấp dẫn vì vừa mặn lại vừa ngọt đậm.
Làm món ốc trộn cũng hết sức đơn giản, thịt ốc được thái mỏng theo chiều dọc sau khi đã luộc chín rồi trộn đều với chanh, ớt. Thịt ốc vú nàng khi ấy sẽ săn giòn và thơm. Theo dân “ghiền” đặc sản biển, món ốc vú nàng ngon nhất vẫn là ốc vú nàng chín khi được nướng trên lò thanh đước.
Món gỏi ốc có hương vị đậm đà của thịt ốc thái mỏng trộn với da lợn, thịt ba chỉ thái nhỏ, dưa chuột, rau răm, rau húng cũng thái nhỏ, lạc rang giã dập nhỏ, chanh tươi, ớt và nước mắm. Món gỏi ốc này ăn với bánh đa nướng, chấm với nước mắm gừng chắc chắn khiến người thưởng thức khó quên. Cũng phải nói rằng, các món chế biến từ ốc vú nàng ngon còn là nhờ vị thơm nổi tiếng của nước mắm ở Côn Đảo.

Đặc Sản Mức Bàn
Mứt hạt bàng có hai loại, mặn và ngọt, được rang với muối hay với đường. Người ta lượm từng quả bàng chim ăn rụng, đem về phơi khô chừng bốn năm nắng rồi dùng dao đập vỏ tách lấy hạt. Mất vài giờ đồng hồ vừa chẻ vừa vừa tách trái bàng, dùng tăm khều lấy hạt ra cũng chỉ được vài trăm gam hạt. Sau đó đem rang lên cho khéo để có được những hạt bàng mập mạp đều nhau.
Hạt bàng sau khi tách ra có màu nâu thẫm như màu gỗ, cắn ra làm đôi sẽ thấy từng lớp màu trắng ngà bên trong xếp cuộn vào nhau như từng vòng đời của cây. Hạt bàng rang có vị bùi bùi và giòn tan khi đưa vào miệng.
Mứt hạt bàng là một món quà đặc sản mang đậm dấu ấn Côn Đảo. Đến đây mới thấy cuộc sống của người dân nơi đây gắn liền với cây bàng như thế nào. Cây bàng mọc thành hàng thẳng tắp dọc theo những con đường ven biển, và có mặt ở mọi ngóc ngách đường phố. Ở Côn Đảo có những cây bàng cổ thụ hai ba người ôm không xuể. Những cây bàng ở Côn Đảo còn được gắn biển tên một cách trang trọng.
Quả bàng chín rộ vào mùa hè, tầm tháng 7, tháng 8. Giá bán mứt hạt bàng khá cao, 45.000 đồng một lọ ngọt chừng 200 gam và 55.000 đồng cho lọ mặn cùng trọng lượng.
Vào lúc trái mùa, thời tiết khắc nghiệt, mứt hạt bàng có khi lên đến 500.000 đồng – 600.000/kg, vẫn không có đủ bán cho du khách.

Đặc Sản Sá Súng

Sá sùng còn gọi là trùn biển sống nhiều ở các đụn cát ven biển các tỉnh miền Trung. Khi thủy triều xuống, trong những ngày hè này người dân ven biển xóm chài rủ nhau ra các bãi cát để đào bắt sá sùng về chế biến những món ăn ngon hoặc bán cho các thương lái.
Theo những người chuyên làm nghề bắt sá sùng thì chúng thường xuất hiện theo con nước lên xuống vào những ngày đầu tháng và ngày rằm. Tuy không ai tận mắt nhìn thấy chúng di chuyển thế nào, nhưng căn cứ vào những dấu vết ngoằn nghoèo để lại trên cát thì phỏng đoán rằng ban đêm chúng trồi lên mặt cát để giao phối và khi mặt bắt đầu ló dạng mới rúc sâu vào trong cát.
Theo như nghiên cứu của các tài liệu khoa học thì sá sùng có nhiều giá trị dinh dưỡng như axit amin, glyxin, alanine, glutamin, succinic... và nhiều taurine, khoáng chất. Còn bên Đông y cho rằng sá sùng có vị mặn, tính mát, có tác dụng bổ dương thanh nhiệt, thanh phế kiện tỳ. Chủ trị các chứng bệnh như cốt chưng triều nhiệt, âm hư đạo hãn, hung muộn, phế hư khái thấu đàm đa, dạ niệu, nha ngân thũng thống...
Sau khi bắt sá sùng về còn phải qua những công đoạn sơ chế công phu khác nữa mới dùng được bởi khi sống nó chỉ như một chiếc túi cát mỏng tang. Vì thế đầu tiên phải thả sá sùng vào nước biển, lộn ruột chúng bỏ hết cát ra ngoài rồi rửa bằng muối cho bớt tanh mới có thể chế biến món ăn.
Sá sùng tươi có thể chế biến thành các món nhưng ngon như nấu cháo, nấu canh, nướng vàng, xào chua ngọt, chiên giòn, làm gỏi...nhưng ngon nhất vẫn là món nướng chấm tương ớt, muối tiêu chanh. Thịt sá sùng nướng vừa giòn, mềm lại dai dai, béo bùi và ngọt nên càng ăn càng thấy ngon.
Để sử dụng lâu dài và mang đi xa sá sùng thường được sơ chế bằng cách phơi khô. Cho sá sùng làm sạch sẽ vào luộc sao cho không chín hẳn mà cũng không bị ươn, rồi mang ra nắng thật to phơi hai nắng là được. Khi sá sùng phơi khô hình dạng trông giống như miếng vỏ cây khô quăn queo có thể để lâu dùng dần dần.
Trước đây, khi chưa có bột ngọt, sá sùng được coi là thứ gia vị để chế ra những nồi nước dùng, nồi canh có hương vị thơm ngọt đặc biệt, nhất là nước phở, đến nỗi có người cho rằng loại giun biển này chính là linh hồn của phở Bắc. Chỉ cần rang vài gram sá sùng khô cho vào một túi lưới thả vào nồi nước lèo thì món ăn trở nên đậm đà hơn rất nhiều.
Ngoài ra, nhiều gia đình cũng sử dụng sá sùng khô thay tôm cho các món canh rau dền, canh bầu...
Nhìn vẻ bề ngoài của sá sùng cũng không được bắt mắt nên ít người dám ăn món này, nhưng nếu thử qua một lần chắc chắn sẽ ấn tượng với món ăn độc đáo này.
Ngoài ra Côn Đảo còn có rất nhiều món ăn hải sản khác rất ngon như: Gỏi Cá Mập, Cá Thu một nắng nước v.v...

Cảnh Đẹp Thiên Nhiên Côn Đảo

Cảnh Đẹp Thiên Nhiên Côn Đảo

Cảnh đẹp Côn Đảo
- Rừng Ông Đụng: Tham quan vườn quốc gia Côn Đảo bằng hình thức đi bộ một khoảng ngắn xuyên qua rừng mưa nhiệt đới, đến bãi biển Ông Đụng của bờ bên kia của đảo. Nếu sức khỏe cho phép, bạn có thể tắm biển và ngắm san hô bằng ống thở tại đây.

- Bình Minh tại Mũi Cá Mập: Hãy thức dậy thật sớm và ngắm nhìn mặt trời mọc qua hòn Bảy Cạnh. Các đám mây trên bầu trời cùng với tia nắng ban mai sẽ tạo nên một màn trình diễn ánh sáng kỳ ảo

- Hoàng hôn tại bãi Nhát: Sau một ngày khám phá Côn Đảo, du khách có thể thả mình với thiên nhiên tại bãi biển, ngắm nhìn hoàng hôn diệu đẹp từ từ lặn qua Đỉnh Tình Yêu. Bãi Nhát chỉ xuất hiện vài giờ một ngày. Các thời gian khác bãi biển này chìm ngập trong nước và ít được người biết đến

- Bãi biển Đất Dốc: một bãi biển hoang sơ dài và thoai thoải, du khách có thể tự mình khám phá bãi biển nơi đây với những hẻm núi ăn tận bờ biển, tạo nên những bãi tắm nhỏ riêng tư và lãng mạn

- Bãi biển Lò Vôi: đây là một bãi tắm thích hợp cho gia đình và nằm gần khách sạn

- Bãi biển Đầm Trầu: được xem như bãi tắm đẹp nhất, du khách có thể vừa tắm biển vừa lặn ngắm biển tại đây

- Xem Vích đẻ: Mất 01 tiếng đồng hồ để có thể đến được hòn Bảy Cạnh để xem Vích đẻ. Đây là một hoạt động khá thú vị nhưng chi phí quá cao (có khi được hét giá đến 150 USD/USD/khách) do hoạt động này được quản lý độc quyển bởi Ban Quản Lý Rừng Quốc Gia.

VIẾNG MỘ CHỊ VÕ THỊ SÁU

VIẾNG MỘ CHỊ VÕ THỊ SÁU



Mộ Võ Thị Sáu

Thế hệ chúng tôi, thời tuổi trẻ, ai mà chẳng thuộc bài hát ca ngợi chị Võ Thị Sáu: Mùa hoa lêkima nở, ở quê ta miền đất đỏ, thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng đã chết cho đời sau.
Không chỉ miền đất đỏ nhắc tên chị, mà cả nước này đều đã nhắc tên chị, bởi chị chết cho đất này "chết cho đời sau", cho nên những đời sau sẽ phải sống như thế nào cho xứng với cái chết của chị.
Chị Sáu chết khi mới 19 tuổi. Tài sản riêng của chị chỉ có 2 bộ quần áo. Ngoài ra không còn gì nữa. Ngay cả tình yêu, vì bận chiến đấu, tình yêu cũng chưa đến với chị. Có lẽ tài sản thiêng liêng của chị là tình yêu Tổ quốc. Chị đã hiến dâng tất cả tuổi thanh xuân của mình cho tình yêu ấy.
Chính do tình cảm yêu mến chị, cho nên đến Côn Đảo, chúng tôi đến nghĩa trang Hàng Dương thăm mộ chị Võ Thị Sáu ngay. Nghĩa trang Hàng Dương trải rộng từ phía sau banh 3 đến sở ruộng, giáp chân núi Chúa. Những nấm mộ chen nhau. 200.000 người tù Côn Đảo, có tới 20.000 người chết. Ai đó nói với tôi, đi trên đất Côn Đảo phải đi nhẹ chân thôi nhé, để không làm đau thân xác những người chết. Vì có mét đất nào trên Côn Đảo không có người chết đâu.
Trong đêm, mỗi ngôi mộ Hàng Dương được thắp một ngọn điện nhỏ như một cây nến, trông rất thiêng liêng, huyền ảo. Ban ngày lớp lớp những ngôi mộ kề nhau. Đến mộ chị Sáu ai cũng dừng lại thắp hương, nên mộ chị Sáu đông người đến thăm nhất, đứng lớp trong, lớp ngoài trang nghiêm, khói hương nghi ngút, hoa tươi xếp đầy trên mộ. Khi khách tản ra đi thắp hương cho các ngôi mộ khác, tôi mới để ý xếp gọn trên đỉnh mộ chị một chiếc áo lụa, một khăn quàng cổ, một vòng đeo cổ ngọc trai.
Bạn tôi bảo:
- Khách quý chị Võ Thị Sáu nên đem quà tặng chị. Để mình đưa cậu tới thăm nhà lưu niệm của chị.
Đó là một ngôi nhà ba gian. Trong đó có mấy tủ áo dài đủ kiểu, đủ màu, một tủ và mấy bàn bày các đồ trang sức, các đồ kỷ niệm mà dân Côn Đảo và khách đến cúng trên mộ chị, được Ban di tích đưa về đây xây dựng một nhà lưu niệm, mới nhìn giống như một quầy hàng phong phú, đa dạng, cái nào cũng đẹp.
Thì ra nhân dân yêu chị Võ Thị Sáu là vậy.
Không yêu chị sao được "Người thiếu nữ ấy như mùa xuân, chị đã dâng cả cuộc đời, đi chiến đấu với bao niềm tin và chết vẫn không lùi bước". 14 tuổi Sáu đã quấn quýt với người anh đi vũ trang, băng đường, vượt rừng đến thăm anh đóng ở Cầu Trọng. Nhờ tình cảm ấy bữa đi chợ nghe bạn kể: "Tao lo cho anh Năm mày. Hồi sáng tao đi ngang phố, thấy anh S. ở đơn vị anh Năm đi vào dinh cai Tổng Tòng, mắt lấm lét như về đầu thú. Lát sau tao quay lại, thấy bọn lính đi tuần các ngả đều tập trung về đồn, nhộn nhạo lắm, chắc tụi nó sắp càn vào cứ". Linh tính báo việc chẳng lành, chị Sáu không kịp qua chợ báo cho má, Sáu rẽ ngay vào hẻm rồi băng đồng lên cứ thông tin cho các anh. Đơn vị anh Năm lập tức sơ tán và chuẩn bị chống càn. Quả nhiên bọn lính đi càn lọt vào ổ mai phục. Cuộc xuất quân đầu tiên của chị Sáu đã cứu được cả đội công an huyện, góp phần phá được trận càn.
14 tuổi, chị Võ Thị Sáu thoát ly. Trận chiến đấu đầu tiên của chị Sáu là diệt Tổng Tòng ngay trong văn phòng của hắn. Đúng giờ G, chị Sáu rút lựu đạn liệng thẳng vào mặt Tổng Tòng rồi hô to: "Việt Minh tấn công", rồi kéo mấy chị ở hàng ghế chờ làm căn cước cùng chạy. Trận ấy Tổng Tòng không chết. Sáu tiếc rẻ với anh Năm:
- Giá em gan hơn, để lựu đạn xì ba bốn giây, thì Tổng Tòng tiêu rồi.
Trận đánh quyết liệt của chị Sáu là giết Cả Đay, Cả Suốt. Dân rất căm ghét bọn này. Chúng thường cùng bọn lính vào chợ cướp vịt, cướp cá, cướp gạo của đồng bào. Đợi bọn chúng ra khỏi chợ, Sáu ném lựu đạn. Cả Suốt, Cả Đay và một tên lính giãy giụa trong vũng máu.
Ý chí bất khuất của chị Võ Thị Sáu là khi chị lọt vào tay giặc. Đòn roi, tra tấn mấy chị cũng không khai. Khi ra tòa, quan hỏi chị:
- Bị cáo có nhận lỗi như cáo trạng không?
Không trả lời câu hỏi của hắn, chị hỏi lại:
- Là quan tòa, ông có thể kết tội những người Pháp Đờ Gôn chống phát xít Đức chiếm đóng nước Pháp không?
Quan tòa lắc chuông:
- Bị cáo chỉ có thể trả lời "có" hoặc "không".
Chị Sáu nghiêm chỉnh đáp:
- Tôi không có tội, yêu đất nước mình, chống lại thực dân xâm lược, không phải là một tội.
Chị Sáu bị kết tội tử hình. Đó là bản án tử hình của bọn thực dân Pháp đối với một người con gái chưa đủ tuổi thành niên. Dư luận xôn xao, chúng không dám giết chị ở đất liền mà đưa ra Côn Đảo. Chị là người thiếu nữ đầu tiên bị đưa ra hành hình ở Côn Đảo.
Thật cảm động biết bao khi ở khám tử hình, chị Sáu nhờ người tới xin vợ chồng Cò:
- Thưa ông bà, người tù kia sớm mai bị hành quyết. Cô ấy muốn xin được vài phút ra sân tắm nắng để được ngắm đất trời quê hương mình.
Yêu quê hương đến thế là cùng. Trước sân Võ Thị Sáu xõa tóc hong gió. Cái bóng hồn nhiên nhỏ bé ấy đã làm vợ Cò trở về phòng, úp mặt xuống giường thổn thức.
Đêm cuối cùng ấy trong xà lim Võ Thị Sáu hát suốt đêm những bài hát hào hùng: Cùng nhau đi hùng binh, Tiểu đoàn 307, Lên đàng.
Phút giây chị Sáu ra pháp trường, đúng là những phút giây anh hùng. Xin hãy nhớ lại cuộc đối đáp giữa viên cố đạo và chị Sáu:
- Bây giờ cha sẽ rửa tội cho con.
- Tôi không có tội. Nếu cha muốn rửa tội, xin hãy rửa tội cho những kẻ sắp giết tôi đây.
- Lạy Chúa! Trước khi chết con có ân hận gì không?
- Tôi chỉ ân hận là chưa tiêu diệt hết bọn thực dân cướp nước và tay sai bán nước.
Có lẽ nào không rưng rưng nước mắt khi trước phút hành hình, chánh án yêu cầu chị Sáu có yêu cầu gì trước khi chết. Chị Sáu đã yêu cầu bỏ bịt mắt để chị nhìn đất nước mình đến giây phút cuối.
Tràng đạn đã nổ trong tiếng hát bài Tiến quân ca của chị.
Nhân dân Côn Đảo đã lập đền thờ chị Sáu trên hòn đảo anh hùng và thiêng liêng này. Trước đền thờ là bức tượng chị Võ Thị Sáu trẻ trung đôi mắt thăm thẳm nhìn về tương lai. Bên phải tượng là mô hình hai bàn tay lồng vào nhau siết chặt. Chúng tôi hiểu đó là biểu tượng của ý chí bất khuất. Chúng tôi vào đền thắp hương cho chị Sáu, ngồi trước bát hương là tượng bán thân chị Võ Thị Sáu. Chúng tôi nhìn chị nghĩ tới cái tuổi 19 chị ngã trên đất Côn Đảo này, để cho thế hệ 19 tuổi bây giờ hồn nhiên cắp sách đến trường. Tôi như nghe tiếng chị vang lên trước tiếng súng xoáy vào tim chị:
- Việt Nam độc lập, muôn năm!
Vâng đó là lời thề của cô thiếu nữ 19 tuổi. Kẻ nào quên lời thề ấy, chúng đáng được gọi là kẻ phản phúc. Bên cạnh tượng chị là lời khen của Bác Hồ được viết bằng chữ vàng trên nền đỏ giống như biểu tượng của lá cờ: "Gương anh dũng của cháu Võ Thị Sáu luôn luôn sáng ngời để cho phụ nữ ta học tập".
Ngày chị Sáu hy sinh là ngày 23/1/1952. Tính cho đến nay chị Sáu đã mất 59 năm. Nhưng về phương diện tâm linh, chị Sáu vẫn đang sống cùng dân Côn Đảo. Đến như người lính lê dương già thời đó, sau khi chị Sáu chết còn thẫn thờ:
- Cô ấy bình thản đến lạ lùng. Yêu đời đến phút chết, dũng khí tỏ ra ngay cả khi đã ngã xuống rồi. Đó mới chính là một người anh hùng. Cô ấy tin vào chính nghĩa của dân tộc mình. Còn chúng tôi thì chỉ biết bắn giết.
Còn nhân dân Côn Đảo thì vẫn gặp chị Sáu. Xin hãy nghe chị Liễu kể:
- Tôi đem hương hoa đến viếng mộ chị Võ Thị Sáu. Khi đến gần mộ, tôi bỗng thấy một người con gái mặc áo dài trắng từ ngôi mộ đi ra, thong thả dạo bước về phía thị trấn. Tôi sụp lạy, hồi lâu mới dám bước tới mộ dâng hương. Sau đó trên đường trở về nhà, đi đâu cũng thấy bóng người con gái ấy ở trước mặt. Thế là tết ấy tôi lập bàn thờ cô Sáu, đặt nơi trang trọng khói hương suốt 4 mùa.
Dân Côn Đảo quý trọng chị Sáu đến mức độ, lâu nay có điều gì khúc mắc ân oán trong lòng đều đem trời đất, quỷ thần ra thề, bây giờ thì gọi chị Sáu:
- Thề có cô Sáu chứng giám.
Làm sao không tin được vì tấm bia cho chị Sáu hôm nay dựng lên bị đập tan thì ngày mai lại xuất hiện đúng chỗ đó một tấm bia mới. Dân có điều gì đến mộ chị thắp hương vái lạy, đều toại nguyện. Cứ giả thử những điều cầu xin ấy không được toại nguyện thì những người dân biển rất thực tế này liệu có đến cúng vái bên mộ chị Sáu nữa không. Ngược lại, người đến cầu xin ngày một đông. Đủ biết niềm kính yêu thiêng liêng ấy nói lên điều gì.
Một bằng chứng không thể chối cãi nữa là bất cứ kẻ nào đụng tới điều thiêng liêng ấy đều chết bất đắc kỳ tử.
Như tên Nghị tù thường phạm từ Phủ Lợi bị đày ra đảo được tuyển vào làm trật tự an ninh nhà tù. Vâng lời tên chúa đảo say máu, Nghị hung hăng.
- Sợ gì, để tôi đập bia Võ Thị Sáu, coi ai làm gì nổi tôi.
Nghị hung hăng xách búa đến đập bia chị Võ Thị Sáu, sáng hôm sau một tấm bia mới đã lại mọc lên. Chúa đảo cho đi gọi Nghị, nhưng Nghị đã nằm liệt một chỗ, không dậy nổi, hồi lâu lại gào lên thảm thiết:
- Tội nghiệp em! Cô Sáu ơi, em lỡ dại.
Ba hôm sau Nghị chết.
Lại như cuộc cải huấn do cố vấn Mỹ và Đài Loan khởi động, để trắc nghiệm tư tưởng tù nhân, chúng khơi lại chuyện đập mộ chị Võ Thị Sáu. Thằng Sước, tù quân phạm, trật tự tại trại 7 xung phong.
Một tên đồng phạm cảnh cáo Sước:
- Mày coi chừng kẻo tối nay loạng choạng, cô Sáu kéo xuống biển cho vích ăn thịt đấy.
Sước ngông nghênh:
- Hà hà... Để tối nay tao ra biển cho tụi bây coi...
Đập bia chị Võ Thị Sáu xong, Sước lấy tiền thưởng uống rượu. Đêm vắt áo lên vai ngất ngưởng ra biển. Sáng hôm sau không thấy Sước điểm danh, ra biển tìm, Sước đã chết cứng, lưng dính chặt vào đá.
Dân Côn Đảo kể cho tôi nghe chuyện về chúa đảo Tăng Tư. Tăng Tư rất giữ lễ đối với cô Sáu. Vì vậy được thăng tiến. Từ phụ tá tỉnh trưởng lên phó tỉnh trưởng rồi tỉnh trưởng. Ngày nhận chức, Tăng Tư tạ ơn vị thần hộ mệnh một con heo quay, rồi khấn vái gieo quẻ, Tăng Tư nài nỉ cô Sáu:
- Trăm lạy cô, ngàn lạy cô. Cô đã thương em thì thương cho trót. Nếu cô không đồng ý cho trùng tu mộ thì xin cô cho em đắp lại mộ và đặt một tấm bia đá cho cô.
Gieo được quẻ, Tăng Tư cho vợ về chợ Lớn đặt ngay một tấm bia cẩm thạch đưa ra làm lễ đặt bia long trọng.
Đó là tấm bia đẹp nhất và tồn tại cho đến tận bây giờ. Đến bên mộ chị Sáu, chúng tôi vẫn được thấy tấm bia ấy. Khi xem bộ phim dài tập Khát vọng bất diệt quay về Côn Đảo, chúng tôi rất may được gặp vợ chồng Tăng Tư trong phim. Hai ông bà còn sống cho đến tận bây giờ, kể lại lòng kính yêu chị Sáu và nhắc lại tấm bia vợ chồng ông đã dựng ngày ấy, giọng kể đầy xúc động như ngày nào vợ chồng ông xin quẻ bên mộ chị Sáu linh thiêng.
Đứng bên mộ chị Sáu, cô thuyết minh của Ban quản lý khu di tích lịch sử Côn Đảo nói rằng những sự kiện của Nghị, của Sinh, của Tăng Tư chỉ là sự trùng lặp ngẫu nhiên. Khách thăm Côn Đảo chúng tôi cho rằng cô chưa tin ở tâm linh, chưa tin ở sự linh thiêng của chị Sáu. Chúng tôi suy nghĩ đơn giản, 20.000 tù nhân bị tử hình, bị chết ở Côn Đảo, vì sao chỉ một mình chị Võ Thị Sáu được nhân dân xây đền thờ riêng. Và trên khắp đất nước này nhiều trường học mang tên Võ Thị Sáu, nhiều thành phố có tên đường Võ Thị Sáu. Vậy có phải đó là một sự ngẫu nhiên không?
Ở Côn Đảo có hai ngôi đền thờ được dân Côn Đảo tôn vinh là hai vị thần của mình. Một là đền thờ chị Võ Thị Sáu, “người anh hùng đã chết cho đời sau”; một đền thờ bà Phi Yến vợ vua Gia Long, bà đã khuyên Gia Long không nên “cõng rắn cắn gà nhà”, bị vua Gia Long giam ở một hang sâu cho đến chết, con bà khóc đòi mẹ, đã bị Gia Long vứt xuống biển. Sự kiện ấy còn để lại tại Côn Đảo một câu ca dao bất hủ:
“Gió đưa rau cải về trời
Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”.
Đã từ lâu tôi đã thuộc câu ca dao này. Đến Côn Đảo tôi mới biết rõ sự tình của nó: Cải là hoàng tử Cải, con bà Phi Yến và Răm là tên thường gọi của bà.
Đến Côn Đảo, hầu như không một ai không đến thắp hương ở hai đền thờ thần này. Còn dân Côn Đảo, có gì cần cầu xin đều đến hai đền thờ này cúng vái. Dân bảo hai đền này thiêng lắm.
Nói đến các vị thần, tôi sực nhớ tới một bài thơ của một nhà thơ quen biết:
“Đời là một cuộc phù du
Ai lo cho nước phục thù cho dân
Một đời liêm khiết, cách tân
Dân tin phong thánh phong thần thiên thu”.
Chị Võ Thị Sáu được dân yêu, dân tin phong thần cho cũng với ý nghĩa ấy.
Chỉ riêng tiếng hô của chị Võ Thị Sáu khi 7 nòng súng đã đặt ngón tay vào cò súng, trong tích tắc nữa súng nổ trong án tử hình:
- Đả đảo thực dân Pháp.
- Việt Nam độc lập muôn năm.
- Hồ Chủ tịch muôn năm.
Thì đó cũng chính là lời thề của người lính chúng tôi khi cầm súng đi giải phóng miền Nam. Sự đồng điệu ấy, chính là ý chí của một thời đại anh hùng.
Hôm nay đang nhớ chị Võ Thị Sáu, đi trên đường Lý Thường Kiệt của Huế, bên Trường tiểu học Lê Lợi, tôi bỗng nghe tiếng hát của các em từ trong trường vọng ra:
“Mùa hoa lêkima nở, ở quê ta miền đất đỏ, thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng đã chết cho đời sau.
Người thiếu nữ ấy như mùa xuân, chị đã dâng cả cuộc đời, đi chiến đấu với bao niềm tin và chết vẫn không lùi bước...”
Nghe các em hát, tôi thật sự xúc động, thì ra thế hệ các em nhỏ bây giờ vẫn không hề quên chị Sáu, vẫn lấy tấm gương của chị làm hướng đi cho thế hệ mình.
Trước sự xúc động ấy, tôi viết những dòng thương nhớ chị Võ Thị Sáu, làm thẻ nhang thắp lên mộ chị những ngày thiêng liêng này.

MIẾU BÀ PHI YẾN

MIẾU BÀ PHI YẾN


Miếu thờ bà Phi Yến

Một thời – ông nội tôi, bố tôi đã dạy tôi và đến lượt tôi dạy các con tôi – về Côn Đảo, một địa danh anh hùng. Chỉ thế thôi mà hòn đảo ấy đã trở nên thiêng liêng theo suốt cuộc đời. Lần này ra đây là lần đầu tiên đặt lên hòn đảo thiêng.
Đêm đầu tiên ở Côn Đảo tôi không thể ngủ được, cứ trân trân nhìn lên trời và lắng nghe sóng biển – lúc rì rầm, khi ào ạt và dâng trào không ngớt. Trong trí tưởng tượng của tôi – Côn Đảo hiện lên với những hình ảnh rõ nét và xen cài giữa quá khứ và hiện tại, giữa cũ và mới, thậm chỉ cả câu chuyện được – mất, thịnh – suy, bĩ – thái… trải qua hàng ngàn năm, ở nơi đầu sóng ngọn gió này người dân đã quen với nắng mưa vả cả bão tố của lịch sử và đất trời. Cuộc đời mỗi người và thế hệ thực đã gột lên từ đất và biển, với bao nhiêu nước mắt – mồ hôi và cả máu nữa.
Ở Côn Đảo, dường như sự hiện diện linh thiêng luôn hiện diện, thấm đẫm màu xanh cây cỏ và nồng nàn vị biển. Từ trung tâm, con đường chừng 2km dẫn vào Miếu Bà và Miếu Cậu chạy giữa những chiếc hồ lớn. Hai bên đường là muống biển miên man bò.
Người làng bảo, miếu Bà là nơi thờ Bà Phi Yến, tục gọi Lê Thị Răm, còn Miếu Cậu là nơi thờ hoàng tử Cải (con của Bà Phi Yến với chúa Nguyễn Anh.Bà Phi Yến là vợ (không rõ thứ mấy) của chúa Nguyễn Phúc Anh. Vào khoảng cuối thu năm 1783, nhằm tránh sự theo dõi của lực lượng Tây Sơn, vị chúa này cùng gia quyến lánh ra Côn Đảo.
Không bằng lòng với việc cầu viện người Pháp, bà Phi Yến đã bị chúa Nguyễn biệt giam trong động đá.
Sau này, khi quân Tây Sơn sắp tràn ra đảo, chúa Nguyễn đã xuống thuyền chạy ra đảo Phú Quốc. Thuyền sắp nhổ neo, hoàng tử Cải (con của bà Phi Yến và chúa Nguyễn Anh) lúc bấy giờ mới chỉ vừa 5 tuổi, không thấy mẹ đâu nên khóc lóc thảm thiết, đòi được gặp mẹ. Biết tin mẹ bị giam cầm, cậu bé kêu gào phải để cho mẹ cùng đi hoặc để cho cậu được ở lại với mẹ. Yêu cầu của hoàng tử Cải không được bố chấp nhận và trong cơn nóng giận mất hết tính người, Nguyễn Ánh đã ném con xuống biển. Hoàng tử Cải chết, xác cậu nằm lại ở bãi San hô và người dân trong làng Cỏ ống đã đem thi thể cậu chôn giữa một khu rừng gần bãi Đầm Trầu.
Phần bà Phi Yến, sau khi được dân làng giải cứu và biết tin con trai mình đã mất, bà vô cùng đau xót. Bà đứng hoài trước mộ con và khóc, tình cảnh thật thương tâm. Dân làng cám cảnh, họ hát ví:
“Gió đưa cây Cải về trời
Rau Răm ở lại chịu đời đắng cay”
Và người dân Côn Đảo tin rằng, câu hát này, xuất phát từ một câu chuyện lịch sử, đau lòng như thế!
Sự trung trinh, ái quốc của đức bà Phi Yến cùng sự chí hiếu của hoàng tử Cải đã được dân làng ở Côn Đảo ghi nhận và quý trọng. Họ xây dựng và chăm chút cho miếu Bà (tức Bà Phi Yến), miếu Cậu (tức hoàng tử Cải) với nhang khói. Âu cũng là ước vọng đầy tính nhân văn của người dân xứ biển chất phác.

NHÀ TÙ CÔN ĐẢO

NHÀ TÙ CÔN ĐẢO



Nhà tù Côn Đảo là một khu nhà tù tại Côn Đảo. Hệ thống nhà tù này được người Pháp xây dựng để giam giữ những tù phạm đặc biệt nguy hiểm cho chế độ thực dân Pháp như: tù phạm chính trị, tử tù...nơi đây thời Pháp thuộc đã giam giữ những nhân vật cộng sản và những người ái quốc chống lại chính phủ thuộc địa. Địa điểm nổi tiếng nhất trong khu nhà tù này là "chuồng cọp".

[sửa]Chuồng cọp

Chuồng cọp là tên gọi khu trại giam do PhápQuốc gia Việt Nam và MỹViệt Nam Cộng hòa xây dựng để giam giữ những nhân vật cộng sản cao cấp và nguy hiểm trong những năm chiến tranh.

[sửa]Chuồng cọp do Pháp và Quốc gia Việt Nam xây

  • Xây dựng năm: 1940
  • Tổng diện tích: 5.475 m²
  • Diện tích phòng giam: 1.408 m²
  • Phòng tắm nắng: 1.873 m²
  • Khoảng trống: 2.194 m²
  • Bao gồm: 120 phòng biệt giam (chia làm 2 khu, mỗi khu 60 phòng).
  • Đặc điểm bên trên có song sắt kiên cố và có hành lang ở giữa dành cho cai ngục, trật tự đi lại kiểm soát, hành hạ người tù (ném vôi bột, dội nước bẩn).
  • Ngoài ra còn có 60 phòng không có mái che được gọi là Phòng tắm nắng (chia làm 4 dãy, mỗi dãy 15 phòng).
  • Phòng tắm nắng còn là nơi dùng để hành hạ phơi nắng, phơi mưa người tù hoặc là lôi người tù ra đó để đánh đập tra tấn.

[sửa]Chuồng cọp do Mỹ và Việt Nam Cộng hòa xây

Chuồng cọp do VNCH xây dựng còn có tên là trại 7 hay là trại Phú Bình.
  • Xây dựng năm: 1971
  • Tổng diện tích:25.768 m²
Trong đó:
  • Diện tích phòng giam: 3800 m2
  • Nhà phụ thuộc: 673 m²
  • Nhà ở: 173 m²
  • Khoảng trống: 22.369 m²
  • Bao gồm: 384 phòng biệt giam (chia làm 4 khu: AB-CD-EF-GH, mỗi khu có 2 dãy và mỗi dãy có 48 phòng).
  • Đặc điểm: Đây là kiểu nhà giam đặc biệt bằng bê tông, không có bệ nằm, người tù phải nằm dưới nền xi măng ẩm thấp.
  • Đây là nơi nổi dậy đầu tiên của tù chính trị vào lúc 12 giờ đêm 30/4, rạng sáng ngày 1 tháng 5 năm 1975 (tại khu GH) chiếm được nhà tù Côn Đảo, chấm dứt hoạt động của nhà tù này sau 113 năm.

ĐÔI NÉT VỀ CÔN ĐẢO

ĐÔI NÉT VỀ CÔN ĐẢO




Côn Đảo là tên một quần đảo ngoài khơi thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cách Vũng Tàu 97 hải lý và cách sông Hậu 45 hải lý. Côn Đảo hay Côn Sơncũng hay dùng cho tên của hòn đảo lớn nhất trong quần đảo này. Sử Việt trước thế kỷ 20 thường gọi đảo Côn Sơn là đảo Côn Lôn hoặc Côn Nôn. Tên gọi cũ trong các văn bản tiếng Anh và tiếng Pháp là Poulo Condor.
Năm 1977Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quyết định tên gọi chính thức là Côn Đảo. Côn Đảo cũng là đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Côn Đảo có cùng một kinh độ với Thành phố Hồ Chí Minh (106°36′) và cùng một vĩ độ với tỉnh Cà Mau (8°36′).
Quần đảo Côn Đảo gồm 16 hòn đảo với tổng diện tích 76 km².
  • Côn Lôn hay Côn Sơn, Phú Hải, 51,52km²
  • Hòn Côn Lôn Nhỏ, hay Hòn Bà, Phú Sơn, 5,45km²
  • Hòn Bảy Cạnh, hay Hòn Bãi Cạnh, Phú Hòa, 5,5km²
  • Hòn Cau, hay Phú Lệ 1,8km²
  • Hòn Bông Lan, hay Bông Lang, Bông Lau, Phú Phong, 0,2km²
  • Hòn Vung, hay Phú Vinh 0,15km²
  • Hòn Ngọc, hay hòn Trọc, hòn Trai, Phú Nghĩa, 4,4km²
  • Hòn Trứng, hay hòn Đá Bạc, hòn Đá Trắng, Phú Thọ, 0,1km²
  • Hòn Tài Lớn, hay Phú Bình 0,38km²
  • Hòn Tài Nhỏ, hay Hòn Thỏ, Phú An, 0,1 km²
  • Hòn Trác Lớn, hay Phú Hưng 0,25km²
  • Hòn Trác Nhỏ, hay Phú Thịnh 0,1km²
  • Hòn Tre Lớn, hay Phú Hòa 0,75km²
  • Hòn Tre Nhỏ, hay Phú Hội, 0,25km²
  • Hòn Anh, hay Hòn Trứng Lớn
  • Hòn Em, hay Hòn Trứng Nhỏ

Tên gọi

Tên Côn Đảo có nguồn gốc Mã Lai từ chữ "Pulau Kundur" nghĩa là "Hòn Bí". Người Âu Châu phiên âm là "Poulo Condor". Sử Việt thì gọi là "Đảo Côn Lôn" có thể cũng từ "Kundur" mà ra.
Riêng tên tiếng Miên của đảo là "Koh Tralach".
Lịch sử
Côn Đảo nhìn từ Nhà khách ra biển
  • Côn Đảo nằm ở vị trí thuận lợi trên đường hàng hải nối liền Âu-Á, vì vậy Côn Đảo được người phương Tây biết đến rất sớm.
  • Năm 1294 đoàn thuyền của nhà thám hiểm người Ý Marco Polo, gồm 14 chiếc trên đường từ Trung Hoa về nước bị một cơn bão nhấn chìm mất 8 chiếc, số còn lại đã dạt vào trú tại Côn Đảo.
  • Từ thế kỷ 15-thế kỷ 16 có rất nhiều đoàn du hành của châu Âu ghé qua thăm Côn Đảo.
  • Cuối thế kỷ 17 và đầu thế kỷ 18 các nhà tư bản Anh, Pháp đã bắt đầu để ý đến các nước phương Đông. Nhiều lần các công ty của Anh, Pháp cho người tới Côn Đảo điều tra, dò xét tình hình mọi mặt với dụng ý xâm chiếm Côn Đảo.
  • Năm 1702, năm thứ 12 đời Chúa Nguyễn Phúc ChuCông ty Đông-Ấn của Anh đổ quân lên Côn Đảo xây dựng pháo đài và cột cờ.
  • Sau 3 năm, ngày 3 tháng 2 năm 1705 xảy ra cuộc nổi dậy của người Mã Lai Macassar (lính đánh thuê của chính quyền Anh), đoàn quân Anh phải rời bỏ Côn Đảo.
  • Ngày 28 tháng 11 năm 1783, Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc), trong chuyến đem hoàng tử Cảnh và vương ấn của Chúa Nguyễn Ánh về Pháp, tự đứng ra đại diện cho Nguyễn Ánh để ký với Bá tước De Mantmarin, đại diện cho vua Louis XVI của PhápHiệp ước Versailles. Đó là văn kiện đầu tiên của nhà Nguyễn nhượng cho Pháp chủ quyền cửa biển Đà Nẵng và quần đảo Côn Lôn. Để đổi lại Pháp giúp Nguyễn Ánh 4 tàu chiến, 1200 lính, 200 pháo thủ, 250 người lính Phi để chống lại nhà Tây Sơn.
  • Tương truyền, trong đợt thứ 3 bị Tây Sơn truy sát Nguyễn Ánh đã trốn ra Côn Lôn. Sống ẩn dật mấy tháng trời ở đây. Vì thế, hiện nay ở đảo Côn Sơn có một ngọn núi cao gọi là núi Chúa; Đền thờ thứ phi của Nguyễn Ánh là Hoàng Phi Yến ở làng An Hải và Miếu Cậu thờ Hoàng tử Cải con của thứ phi Hoàng Phi Yến tại làng Cỏ Ống.
  • Ngày 1 tháng 9 năm 1858, Pháp tấn công Đà Nẵng chiếm đóng bán đảo Sơn Trà, chuẩn bị đánh Huế.
  • Tháng 4 năm 1861, Pháp đánh chiếm Định Tường. Chính trong thời gian này, Pháp khẩn cấp đặt vấn đề chiếm đóng Côn Đảo vì sợ Anh chiếm mất vị trí chiến lược quan trọng này.
  • 10 giờ sáng ngày 28 tháng 11 năm 1861, Bonard (thủy sư đô đốc Pháp) hạ lệnh cho thông báo hạm Norzagaray đến xâm chiếm Côn Lôn.
  • Trung úy Hải quân Pháp Lespès Sebastien Nicolas Joachim lập biên bản: "Tuyên cáo chủ quyền" của Pháp tại Côn Đảo.
  • Ngày 14 tháng 1 năm 1862 chiếc tàu chở hàng (Nievre) chở một số nhân viên ra đảo, họ có nhiệm vụ tìm vị trí thuận lợi dựng tạm hải đăng Côn Đảo, nhằm chống chế nếu có nước nào phản kháng hành động tuyên bố chủ quyền.
    Nhà tù
Tượng người tù Côn Đảo
  • Ngày 1 tháng 2 năm 1862 Bonard ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo, và từ đó biến Côn Lôn thành nơi giam giữ những người tù chính trị Việt Nam với hệ thống chuồng cọp nổi tiếng. Vì vậy dưới thời Pháp thuộc đã có câu rằng:
Côn Nôn đi dễ khó về
Già đi bỏ xác, trai về nắm xương.
Hành chính