Thứ Năm, 22 tháng 12, 2011

MIẾU BÀ PHI YẾN

MIẾU BÀ PHI YẾN


Miếu thờ bà Phi Yến

Một thời – ông nội tôi, bố tôi đã dạy tôi và đến lượt tôi dạy các con tôi – về Côn Đảo, một địa danh anh hùng. Chỉ thế thôi mà hòn đảo ấy đã trở nên thiêng liêng theo suốt cuộc đời. Lần này ra đây là lần đầu tiên đặt lên hòn đảo thiêng.
Đêm đầu tiên ở Côn Đảo tôi không thể ngủ được, cứ trân trân nhìn lên trời và lắng nghe sóng biển – lúc rì rầm, khi ào ạt và dâng trào không ngớt. Trong trí tưởng tượng của tôi – Côn Đảo hiện lên với những hình ảnh rõ nét và xen cài giữa quá khứ và hiện tại, giữa cũ và mới, thậm chỉ cả câu chuyện được – mất, thịnh – suy, bĩ – thái… trải qua hàng ngàn năm, ở nơi đầu sóng ngọn gió này người dân đã quen với nắng mưa vả cả bão tố của lịch sử và đất trời. Cuộc đời mỗi người và thế hệ thực đã gột lên từ đất và biển, với bao nhiêu nước mắt – mồ hôi và cả máu nữa.
Ở Côn Đảo, dường như sự hiện diện linh thiêng luôn hiện diện, thấm đẫm màu xanh cây cỏ và nồng nàn vị biển. Từ trung tâm, con đường chừng 2km dẫn vào Miếu Bà và Miếu Cậu chạy giữa những chiếc hồ lớn. Hai bên đường là muống biển miên man bò.
Người làng bảo, miếu Bà là nơi thờ Bà Phi Yến, tục gọi Lê Thị Răm, còn Miếu Cậu là nơi thờ hoàng tử Cải (con của Bà Phi Yến với chúa Nguyễn Anh.Bà Phi Yến là vợ (không rõ thứ mấy) của chúa Nguyễn Phúc Anh. Vào khoảng cuối thu năm 1783, nhằm tránh sự theo dõi của lực lượng Tây Sơn, vị chúa này cùng gia quyến lánh ra Côn Đảo.
Không bằng lòng với việc cầu viện người Pháp, bà Phi Yến đã bị chúa Nguyễn biệt giam trong động đá.
Sau này, khi quân Tây Sơn sắp tràn ra đảo, chúa Nguyễn đã xuống thuyền chạy ra đảo Phú Quốc. Thuyền sắp nhổ neo, hoàng tử Cải (con của bà Phi Yến và chúa Nguyễn Anh) lúc bấy giờ mới chỉ vừa 5 tuổi, không thấy mẹ đâu nên khóc lóc thảm thiết, đòi được gặp mẹ. Biết tin mẹ bị giam cầm, cậu bé kêu gào phải để cho mẹ cùng đi hoặc để cho cậu được ở lại với mẹ. Yêu cầu của hoàng tử Cải không được bố chấp nhận và trong cơn nóng giận mất hết tính người, Nguyễn Ánh đã ném con xuống biển. Hoàng tử Cải chết, xác cậu nằm lại ở bãi San hô và người dân trong làng Cỏ ống đã đem thi thể cậu chôn giữa một khu rừng gần bãi Đầm Trầu.
Phần bà Phi Yến, sau khi được dân làng giải cứu và biết tin con trai mình đã mất, bà vô cùng đau xót. Bà đứng hoài trước mộ con và khóc, tình cảnh thật thương tâm. Dân làng cám cảnh, họ hát ví:
“Gió đưa cây Cải về trời
Rau Răm ở lại chịu đời đắng cay”
Và người dân Côn Đảo tin rằng, câu hát này, xuất phát từ một câu chuyện lịch sử, đau lòng như thế!
Sự trung trinh, ái quốc của đức bà Phi Yến cùng sự chí hiếu của hoàng tử Cải đã được dân làng ở Côn Đảo ghi nhận và quý trọng. Họ xây dựng và chăm chút cho miếu Bà (tức Bà Phi Yến), miếu Cậu (tức hoàng tử Cải) với nhang khói. Âu cũng là ước vọng đầy tính nhân văn của người dân xứ biển chất phác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét